Khi nói về các bức tranh dân gian vẽ con lợn (heo) người ta luôn nghĩ đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay, trong khi các dòng tranh khác ít nhiều mai một và biến mất. Con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những con lợn tạo hình đẹp nhất, có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có cái nhìn đẹp như vậy về một con vật nuôi tượng trưng cho ấm no, sung túc. Tranh Đông Hồ vẽ lợn có 2 bức: “Lợn ăn cây dáy” và “Lợn nái”, hai tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh “Lợn ăn cây dáy” in ba bản màu một bản nét, tranh “Lợn nái” nhiều màu hơn, có đến bốn bản màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là “thuốc cái”. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp. Từ đó các nghệ nhân thêu tay cũng phối màu chỉ theo đúng nguyên bản của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Riêng đối với hình ảnh lợn trong tranh Đông Hồ, một con vật gắn liền trong nếp sống của những người nông dân chất phát. Lợn mang một ý nghĩa rất riêng: thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, một năm mới phát tài phát lộc. Vì vậy khi khắc họa trên tranh cũng mang những sắc thái tươi vui và dí dỏm như những người bạn, người thân trong gia đình.
Bức “lợn ăn lá dày” đẹp và rực rỡ, dốc sự cách điệu lạ mắt: khoáy tròn âm dương trên lưng. Người thợ vẽ với tâm hồn người nghệ sĩ đã nhìn những xoáy lông trên mình lợn thành cái khoáy âm dương của triết học cổ. Rồi bức Đàn lợn mẹ con toát lên cái hồn của làng quê bình dị và thân thiết, để những người con đất
Việt dù đi đâu xa vẫn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.